Ca đoàn thăng thiên
„Để tỏ lòng biết ơn,anh chị em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài Thánh vịnh,Thánh thi và Thánh ca,do thần khí linh ứng….“(Cl.3,16)
Trong tinh thần ngợi khen Thiên Chúa cộng thêm tâm hồn thi ca ,người công giáo Việt nam dù đi đến đâu cũng luôn đặt thánh nhạc lên một chỗ đứng quan trọng trong các nghi thức phụng vụ.
Do đó nơi nào có cộng đoàn công giáo là ở đó có ban thánh ca, đây cũng là lý do mà ca đoàn có thể tự hào „Lịch sử hình thành giáo xứ gắn liền với sự ra đời Ca đoàn“.
Ngược dòng lịch sử,từ 1980 Lm.Nguyễn văn Bích đặt chân đến München,ngài cùng với cộng đoàn nhỏ bé thời đó đã dâng nhiều thánh lễ „di động“ (thường tại cư xá sinh viên Johannes Kolleg) vào dịp giáng sinh và phục sinh,trong những lúc này các ca viên thường được lựa chọn một cách nhanh chóng để tập dượt và hát ,như thế mỗi lần có thánh lễ thì ca đoàn lại có một khuôn mặt mới với những thành viên mới.
Để khắc phục khó khăn trên,vào tháng 4.1982 anh Phan Huy Thượng được chỉ định thành lập ca đoàn,gồm các thành viên có điều kiện sinh hoạt thường xuyên tại München và vùng phụ cận,từ đó ca đoàn được ra đời với danh hiệu“Ban Thánh ca München“.
Những sinh hoạt ban đầu rất đơn giản,chỉ tập dượt trước mỗi thánh lễ khoảng 2 tiếng đồng hồ,nhạc cụ thường là một cây Gitarre,bài hát bao gồm những bản chép Photokopie không nốt,mà mọi người thuộc lòng.Tuy vậy ca đoàn đã gợi nhiều cảm xúc, đánh động tâm thức những tham dự viên về những kỷ niệm của một thời xa xưa sống đạo nơi quê nhà.
Do nhu cầu sống đạo theo truyền thống Việt cũng như gặp gỡ đồng hương,nói,hát tiếng mẹ đẻ .v.v….là những yếu tố chính cổ võ tinh thần và thúc đẩy ca đoàn tăng trưởng một cách nhanh chóng,nhờ thế Ban thánh ca được giao thêm những trọng trách như sinh hoạt giới trẻ,văn nghệ,tiếp tân, đối ngoại.
Những sinh hoạt đáng ghi nhớ:
- 1983 :Lần đầu tiên tham dự với Giáo hội Đức,hát đáp ca trong Thánh lễ Fronleichnam tại nhà thờ chính toà München.
- 1984 :Lần đầu tham dự Đại hội công giáo Việt Nam tại Königstein,hát thánh ca và văn nghệ.
- 1986 :Đóng góp trong thánh lễ khánh thành Trung tâm công giáo đầu tiên tại Rumfordstraße,München.
- 1987 :Chọn lễ Chúa Jesus lên trời làm lễ bổn mạng,chính thức đổi tên thành „Ca đoàn Thăng Thiên“.
- 1988 :Tham dự lễ phong „Các Thánh tử đạo Việt Nam“ tại Roma.
Sau giai đoạn củng cố nội bộ với hai mục tiêu chính là khai triển khả năng về mặt thánh nhạc, đưa các sinh hoạt vào nề nếp,các anh chị ca viên thuộc thế hệ thứ hai còn chú trọng vào lãnh vực sinh hoạt giới trẻ.
Ngoài những chương trình tập luyện và phụ trách thánh ca định kỳ,ca đoàn thỉnh thoảng tổ chức các buổi tĩnh tâm,du ngoạn,hành hương hoặc cùng với các ban nghành khác tổ chức văn nghệ.
Những sinh hoạt ngoại lệ này thường được mở rộng cho nhiều người tham dự nhằm mục đích giới thiệu,mời gọi các bạn trẻ vào ca đoàn và cũng là nhịp cầu cho gia đình các thành viên gặp gỡ,tiếp xúc thân thiện,hiểu nhau nhiều hơn.
Theo thời gian,Ca đoàn Thăng Thiên cũng thay đổi nhiều về mặt nhân sự,phần lớn các anh chị thuộc thế hệ đầu không còn trong danh sách nhưng con số vẫn không thuyên giảm,nhờ vào sự nối gót của thế hệ sau này.
Tuy có một bề dầy lịch sử nhưng ca đoàn vẫn là nơi hội tụ và truyền bá tinh thần trẻ trung,các sinh hoạt vẫn mang tính cách truyền thống công giáo,mục đích phục vụ giáo xứ,dùng lời ca tiếng hát để đem Chúa đến mọi người và đem giới trẻ về với Thiên Chúa.
Các ca trưởng:
- 1982-1992 :Anh Phan Huy Thượng
- 1992-2000 :Anh Bui Công Anh
- 2000-2001 :Anh Đoàn Đức Thắng
- 2001-2005 :Chị Nguyễn Hồng Luạ
- 2005 :Sr.Clara Trần Thị Lệ Nguyệt và chị Nguyễn Hồng Luạ.
Ca đoàn tập hát 2 tuần 1 lần,sau thánh lễ Chúa nhật tại Trung tâm công giáo.