Archive for the ‘Sinh hoạt giáo xứ’

Lễ Kính Thánh BENNO, Bổn Mạng TP München

June 27, 2012 Chuyên mục : Sinh hoạt giáo xứ

Năm nay thành phố München mừng kính lễ thánh Benno,  thánh bổn mạng của thành phố München (Fest des Heiligen Benno, Stadtpatron von München).

Thứ bảy,Ngày 30.06.2012
Từ                        11 giờ17 giờ
Tại                       Odeonplatz.

Đây là dịp lễ quan trọng và lớn nhất do người công giáo của thành phố tổ chức.

München đã trở thành một thành phố mang tính quốc tế, không chỉ vì sự có mặt của khách du lịch các nước, những còn vì số dân cư tại đây.

Theo thống kê cho biết, từ 18 tuổi trở xuống, thì 50 % dân cư của thành phố là người gốc ngoại quốc. Điều này làm cuộc sống của thành phố đa dạng và nhiều màu sắc, nhưng cũng là một thử thách to lớn cho những người mang trọng trách trong chính quyền cũng như trong tổng giáo phận München-Freising.

Ban tổ chức của giáo phận mời gọi các cộng đoàn ngoại quốc tích cực tham dự ngày lễ này. Đây là dịp để chúng ta biết thêm về những cộng đoàn cũng như những đoàn thể của thành phố. Đồng thời là dịp giới thiệu cho những anh chị em cùng sống và làm việc trong thành phố biết về chúng ta, một giáo xứ  công giáo của người Việt Nam tại München.

Giáo xứ chúng ta có một quầy (Infostand) để giới thiệu về đời sống của giáo xứ. Các em thanh thiếu niên và thiếu nhi sẽ thay mặt cho giáo xứ mang đến cho ngày lễ một điệu múa mang nét quê hương, trên sân khấu, tại Odeonsplatz.

Kính mời anh chị em cùng tham dự ngày lễ kính thánh Benno.

Công Đồng Vaticanô II

June 05, 2012 Chuyên mục : Sinh hoạt giáo xứ

Kỉ niệm 50 năm (1962 – 2012)
Năm nay, Giáo hội công giáo kỉ niệm một biến cố lớn, đó là Công đồng chung Vaticano II, do đức Thánh cha Gioan 23 triệu tập cách đây đúng 50 năm tại Rôma.

Vaticanô II đã làm đổi mới bộ mặt của Giáo hội. Và cho tới nay, kết quả của nó vẫn còn là đề tài gây tranh cãi – kẻ bênh kẻ chống – trong lòng Giáo hội.

– Công đồng chung là gì?
– Tại sao ĐTC phải triệu tập Công đồng và CĐ đã diễn ra như thế nào?
– Đâu là những nội dung thảo luận chính yếu và đâu là những hậu quả gây tranh cãi của Công đồng? v.v…

Để cùng “vui mừng và hi vọng” cũng như cùng âu lo với Giáo hội mẹ qua biến cố đó, kính mời Ông Bà Anh Chị Em tham dự buổi

Nói chuyện và thảo luận về CĐ Vaticanô II

  • tại Trung tâm công giáoMünchen
  • lúc 15.00 tới 17.30 giờ
  • chiều thứ bảy mùng 09 tháng 6 năm 2012
  • Thuyết trình: linh mục

Phạm Tuấn Nghĩa (SJ), hiện đang tu học tại nước Áo

Trân trọng kính mời
Gx. Nữ Vương Hoà Bình

Giáng Sinh 2012

February 09, 2012 Chuyên mục : Sinh hoạt giáo xứ

Lễ đêm Giáng Sinh ở nhà thờ St.Benedikt được bắt đầu bằng màn diễn nguyện. Tôi đã đến trước giờ lễ 1 tiếng để cùng tập dợt lại màn diễn nguyện với các anh chị khác. Ai cũng rất hăng hái và nhiệt tình, ngay cả các em thiếu nhi cũng rất tập trung.

Gần 8 giờ tối, cả thánh đường đã gần kín hết chỗ, và màn diễn nguyện mà chúng tôi đã bỏ công sức ra chuẩn bị cũng sắp bắt đầu, lúc đầu tôi cảm thấy hơi căng thẳng một chút, nhưng trước mặt Chúa, những căng thẳng đó dường như biến mất, chỉ còn lại tình yêu thương ấm áp và sự động viên Chúa dành cho các em nhỏ, các anh chị và tôi, điều này đã giúp chúng tôi diễn nguyện thật tốt .

Các em nhỏ, các anh chị và tôi đã cố gắng diễn nguyện thật tốt với tâm tình hướng về Chúa. Tôi cảm thấy thật mãn nguyện khi mình đã làm hết sức mình, giúp cho mọi người tham dự thánh lễ sốt sắng hơn trong tiếng hát rất chỉnh của ca đoàn Thánh Gia và phần hoà tấu thánh thót của hơn 20 cây đàn guitar và mandoline trong lớp học đàn.

Sau thánh lễ, tôi lên Trung tâm để nâng ly rượu chúc mừng Chúa giáng trần cùng mọi người trong dư âm bài hát “Đêm Thánh Vô Cùng” không thể thiếu trong ngày Giáng Sinh.

Hôm sau là đại lễ Giáng Sinh, số người tham dự năm nay đông hơn mọi năm nhờ thời tiết khô ráo với nắng ấm chan hòa nên nhiều người từ những nơi rất xa cũng về nhà thờ St.Wolfgang.

Tôi thấy ca đoàn  Thăng Thiên dâng lên Chúa những bài hát thật hay và tâm tình. Phần ẩm thực được chuẩn bị thật chu đáo và dồi dào giúp cho mọi người được ấm bao tử để tham dự buổi văn nghệ với ca vũ nhạc kịch thật phong phú, đặc sắc và vui tươi.

Hôm nay nhớ lại ngày vui ấy, cảm giác được đóng góp một tí công sức khiến tôi thật thích thú.

Tất cả đã miệt mài cộng tác bằng sức mạnh Chúa ban cho. Tôi thích nghe những đoạn solo của các anh chị trong hai ca đoàn, thật mượt mà và trau chuốt. Tôi chắc rằng các anh chị đã phải tập ở nhà rất nhiều đấy. Dù không phải là những giọng hát thật chuyên nghiệp, nhưng tấm lòng chân thành và sự cố gắng nhiệt tình của mọi người đã làm cho bài hát thậm chí còn cảm xúc hơn, động lòng hơn, tiếng đàn và giọng hát của tất cả như quyện vào nhau, như một sự ấm áp giữa mùa đông đang len lỏi vào từng ngóc ngách trái tim tôi.

Tôi yêu những bài hát giúp mọi người cùng hướng về Chúa để tôn vinh Người. Lúc ấy mọi người thật sự hiệp nhất với nhau. Đêm Giáng Sinh đã đọng lại trong tôi một nỗi bâng khuâng cho đến cả những ngày sau đấy.

(Nguyễn Vũ Hoài Phương)

Lễ Quan Thầy Giáo Xứ 31.07.2011

October 10, 2011 Chuyên mục : Sinh hoạt giáo xứ

Lần đầu tiên tham dự lễ Quan Thầy giáo xứ từ lúc bắt đầu rước Đức Mẹ đến khi bế mạc văn nghệ, tôi đã ghi nhận được những hình ảnh thật khó quên. Khi tiến gần đến khuôn viên nhà thờ St. Nikolaus, tôi tưởng như mình đang đến một thôn làng nhỏ tại Việt Nam, trong ngày hội lớn.

Các anh cũng như các bác trai lớn tuổi trong những bộ áo Tây chỉnh tề, lớp chào hỏi trò chuyện với nhau, lớp bận rộn xếp bàn ghế hoặc trang bị cho bộ rước kiệu Đức Mẹ. Các chị và các bác gái tha thướt trong những tà áo dài muôn màu, muôn vẻ thật duyên dáng, như muốn cùng với những tia nắng ấm của tháng bảy tô thêm vẻ đẹp của ngày lễ. Còn các em thiếu nhi xúng xính trong những chiếc áo đầm, áo dài khăn đống, tung tăng chạy nhảy trông thật dí dỏm. Cuộc rước kiệu tôn vinh Đức Mẹ được diễn ra thật sốt sắng. Sau cuộc rước kiệu tất cả mọi người trong cộng đoàn đã quây quần quanh bóng Mẹ trong ngôi Thánh đường, cùng nhau dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ. Cảm tạ cho những công trình, kết quả, hoa trái của mọi người và cả những thành tích của các em học sinh trong năm qua.

Một điều làm tôi hết sức cảm phục, đó là sự cộng tác đắc lực của các em thiếu nhi. Trong cuộc rước kiệu các em cố gắng đi theo hàng ngũ. Cùng với ông bà, cha mẹ các em bập bẹ những câu kinh, bài hát để dâng lời tôn vinh Mẹ. Trong Thánh lễ các em cố gắng giữ trật tự, cùng mọi người dâng lễ thật nghiêm trang. Hơn thế nữa, sau Thánh lễ các em đã tận dụng hết tất cả năng khiếu của mình, để cống hiến đến cộng đoàn một buổi văn nghệ thật hào hứng, thật sôi nổi. Từ những lời giới thiệu chương trình duyên dáng của em Lâm Khang, những điệu nhẩy Hip-Hop sôi động, những tiếng hát, tiếng sáo đơn sơ, đến những khúc nhạc hòa tấu vĩ cầm, dương cầm và Mandoline… Các em đã gửi đến cộng đoàn một món quà thật quý giá. Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ của các phụ huynh khi thấy con mình trình diễn, tôi thầm nghĩ, đó là những người làm vườn đang bỏ công vun xới, chăm bón cho mầm móng của mình, cùng với sự hỗ trợ của cộng đoàn cũng như tác động của Thiên Chúa, chắc chắn những mầm móng ấy sẽ trở thành những cây cối mang nhiều hoa trái.

Sau buổi văn nghệ mọi người vui vẻ cùng nhau dọn dẹp với niềm mong ước: buổi lễ Quan Thầy năm tới cũng sẽ được tổ chức trước mùa hè như năm nay, để các phụ huynh, các anh chị trong ban đại diện cũng như các ban ngành, thảnh thơi đầu óc cùng với gia đình nghỉ ngơi và “auftanken” (“đổ vào”) thêm những năng lượng mới. Trên đường về nhà, tôi thầm cám ơn Chúa, đã cho tôi có dịp tiếp xúc với những bàn tay phục vụ không ngần ngại, phục vụ với cả trái tim, với tâm tình tin yêu Thiên Chúa trên hết. Ich danke DIR für alles.

(Một tham dự viên)

Tìm hiểu kinh Thánh

July 06, 2011 Chuyên mục : Sinh hoạt giáo xứ

Nếu nhìn lại buổi tĩnh tâm thứ nhất với ngày tĩnh tâm và học hỏi Kinh Thánh chiều thứ bảy 18.06 vừa qua, có thể nói lần đầu là một buổi lên lớp cho tân sinh viên với một lượng tri thức khổng lồ làm choáng váng những tín hữu từ lâu không có cơ hội tìm hiểu và học hỏi Kinh Thánh. Trong phần thứ hai này, thầy Bùi Quang Minh, SJ và cha Lê Thanh Liêm chỉ nhắc sơ những điểm quan trọng đã được học lần trước và dành trọn thời gian cho việc trả lời thắc mắc và thực hành.

Phần nêu câu hỏi của tham dự viên đã diễn ra thật sôi nổi, có lúc tưởng như cha Liêm và thầy Minh sẽ “bị bí” nhưng điều này cho thấy các ngài rất cẩn trọng trong việc trả lời những câu hỏi mang tính cách mầu nhiệm hay truyền thuyết, phải cần nhiều thời gian giải thích chứ không thể trả lời ngắn gọn khiến cho các tín hữu có thể hiểu lầm, vì phần đông đã hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen của từng chữ, từng nhân vật.

Trong phần thực hành, hai mươi người chúng tôi được chia thành ba nhóm để đọc, phân tích và suy niệm một đoạn phúc âm với bốn câu hỏi gợi ý.
Sau ba mươi phút chia sẻ những gì mình cảm nghiệm được qua từng nhân vật, từng diễn tiến câu chuyện, thậm chí từng chữ  trong đoạn phúc âm, nhóm chúng tôi gồm bảy người hí hửng trở lại phòng họp để “trả bài”, mặc dù chúng tôi đã tận dụng tất cả đầu óc và trái tim để diễn tả, nhưng cha Liêm và thầy Minh cứ mỉm cười gật gù và lâu lâu bỏ nhẹ một câu hỏi thật hóc búa khiến chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, đúng như thầy Minh đã cảnh cáo trước đó:
– Có những vị cử nhân hay tiến sĩ thần học đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu một chương trong kinh thánh như “bài giảng trên núi” chẳng hạn, nếu có ai hỏi về chương khác, họ cũng không trả lời chắc chắn… Chẳng thế mà cả nước Việt nam chỉ có một vị tiến sĩ duy nhất về môn giải nghĩa Kinh Thánh. Chưa kể các nhà khảo cổ đã luôn tìm tòi những chứng tích để giải thích thêm cho rõ Lời Chúa, như cuộc đào bới mới nhất tại Qumran, gần biển chết, năm 1947 đã cho thấy rõ hơn thời đại Do Thái ngày xưa, giúp cho những người đang nghiên cứu Kinh Thánh những ánh sáng mới khi tìm hiểu Lời Chúa.

Phần đông tham dự viên đã trên 40 tuổi, đã được nghe nhiều bài giảng và đọc nhiều bài suy niệm Thánh kinh, nhưng Lời Chúa vẫn luôn mới mẻ và hấp dẫn dù đã nhai đi nhai lại cả trăm lần, vì mỗi người là một cá nhân riêng biệt luôn biến đổi theo thời gian, không gian và hoàn cảnh nên tâm sinh lí cũng biến đổi, do đó mỗi khi chiêm niệm Lời Chúa, lại học được nơi từng cá tính nhân vật, từng dụ ngôn, từng cách giải quyết vấn đề, từng câu nói … những bài học kinh nghiệm rất tốt để áp dụng vào đời sống hiện tại của mình.
Chính vì vậy mà chúng tôi, những tín hữu chỉ được học một chút rất ít về Kinh Thánh nhưng với tấm lòng yêu mến Chúa, muốn đẹp lòng Ngài và sống theo Thánh Ý Chúa, nên chúng tôi luôn ao ước tìm hiểu Lời Ngài, và với lòng trông cậy vào ơn Chúa Thánh Thần, khiến chúng tôi thêm hăng say học hỏi, vì cảm thấy kho tàng Kinh Thánh rất thú vị và hữu ích không những cho mình, nhưng còn giúp cho gia đình, cộng đoàn và xã hội.

Sau khi được no đủ phần hồn, chúng tôi đã được Hội đồng giáo xứ và các chị thiết đãi một bữa cơm tối tuy đơn sơ nhưng chan chứa tình anh chị em, con chung một Cha trên trời.

Xin chân thành cám ơn cha Liêm, thầy Minh đã giúp chúng con một buổi học thật hữu ích cho hành trình đức tin của chúng con qua ánh sáng của Lời Chúa . Ước chi Giáo Xứ tiếp tục có những buổi học hỏi Kinh Thánh, giúp cho đời sống chúng con trưởng thành hơn qua Lời của Chúa .

Một tham dự viên .

Trở nên “người của Lời Chúa” …

June 09, 2011 Chuyên mục : Sinh hoạt giáo xứ

Được người đặc trách của bản tin giáo xứ nhờ viết một bài nhỏ cho ngày tĩnh tâm và học hỏi Kinh Thánh vừa qua, tôi không khỏi lúng túng. Là người cùng tổ chức buổi sinh hoạt ấy, giờ lại viết cảm nhận, tránh sao được điều tế nhị “vừa hát vừa khen mình hay“? Tuy nhiên, nghĩ rằng đây là dịp trình bày tóm tắt để nhớ lại và chia sẻ cho những người khác những điều chúng tôi, những người hướng dẫn và tham dự hôm ấy, đã trao đổi là một điều đáng làm và không đáng trách.

Chúng tôi luôn ý thức rằng chúng tôi hiểu quá ít về Lời Chúa, và đứng trước kho tàng cũng như nguồn mạch đời sống đức tin này, không ai dám khẳng định mình biết nhiều và có thể chú giải lời ấy như một kẻ “làu làu đường đi lối về“.

Dầu vậy, đọc lời Chúa luôn là một phần trong đời sống đức tin cá nhân và tập thể giáo xứ chúng tôi, bên cạnh Thánh lễ và các bí tích. Đã hơn một lần, ai trong chúng tôi cũng có ao ước tự đọc và tìm hiểu lời Chúa, nhưng lời ấy lạ lẫm và khó hiểu đến nỗi có thể sẽ làm nản lòng bất cứ ai, dù cho người ấy có nhiều ý chí đi chăng nữa.

Có thế, Lời Chúa vượt xa mọi tầm với và luôn là huyền nhiệm đối với trí khôn nhân loại. Đó là lời mặc khải, và ngang qua Lời, chúng ta đi vào mầu nhiệm sống động, vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Dù không biết hết, nhưng phải biết nhiều hơn : đó là một đòi hỏi của đức tin trưởng thành. Vì được hình thành trong lịch sử, nên Lời Chúa, trong sự phong phú của các giai đoạn lịch sử biên soạn, của văn loại, ngôn ngữ, văn phong và chủ đề, v.v… vẫn là đối tượng của việc nghiên cứu và học hỏi đối với từng người, dù là học giả Kinh Thánh, cha xứ, sinh viên thần học hay một giáo dân. Học trong sự đam mê của đức tin, của một tâm hồn cầu nguyện, của một thân xác biết quỳ gối, của một đôi mắt linh lợi, khám phá ra dấu ấn của Thiên Chúa qua từng con chữ, từng câu chuyện.

Đặc nét của tương quan giữa tín hữu và Sách Thánh trong Ki-tô giáo là họ được phép hiện tại hóa ý nghĩa lời Chúa trong cuộc sống cá nhân họ, ngang qua hành vi đọc và chú giải.

Lời Chúa luôn luôn có ý nghĩa trong quá khứ, cho hiện tại và định hướng tương lai. Vì thế, người đọc sách Thánh được phép và được khuyến khích hiểu lời Chúa theo khả năng của mình, trong thái độ cầu tiến và đối thoại với truyền thống sống động của Giáo Hội.

Chúng tôi cũng đi vào tìm hiểu các trình thuật Kinh Thánh, tức là những câu chuyện kể. Kể chuyện cũng là một lối trình bày chân lý và trình bày chân lý qua kể chuyện là một nét đặc sắc, dù không là duy nhất, của văn hóa Á Đông.

Chúng tôi làm quen với những yếu tố làm nên một câu chuyện, cách diễn tiến và kết cục của chúng, ngang qua đó hy vọng gặp được chân dung tác giả và sứ điệp mà câu chuyện gửi cho chúng tôi, với tư cách là người đọc ngày nay.

Điều thách đố cho cả người tổ chức và người tham dự là khối lương tri thức quá lớn, và thời gian của chúng tôi lại eo hẹp. Chúng tôi ao ước trong tương lai sẽ có cơ hội đi vào phân tích một bản văn cụ thể hơn. Hy vọng chúng sẽ là một niềm vui và bù đắp nho nhỏ cho ước ao lớn lao được khám phá lời Chúa, vẫn tiếp tục âm ỉ trong cõi lòng từng người. Ước gì câu chuyện đầy nhân bản, được kể cách tinh tế và mang đầy dáng vóc của một câu chuyện hiện đại, trong Tin Mừng Thánh Luca về Người Cha và hai người con (Lc 15), được tìm hiểu và đào sâu trong Mùa Chay này, còn đọng lại trong ký ức đức tin của từng thành viên trong giáo xứ.

Ước mong tác phẩm nghệ thuật “Những mảnh vỡ đời“ bằng gốm của các bạn thanh thiếu niên mà nhóm đã được giới thiệu vào đầu buổi sinh hoạt, luôn là cảm xúc về giới hạn riêng của từng cuộc sống, nhưng nhờ đó, chúng ta cảm thấy cần được Lời Chúa nối kết và hàn gắn, vì Lời Ngài là “đèn soi“ cho nẻo đường cuộc sống của con, là “ánh sáng“ trung thành lan tỏa trong những vùng còn u kín của từng cõi lòng hiện sinh.

BQM

Hành hương Medjugorje

June 04, 2011 Chuyên mục : Sinh hoạt giáo xứ

Medjugorje nổi tiếng nhờ vào linh địa, nơi Mẹ Maria hiện ra lần đầu tiên vào năm 1981 liên tục cho đến nay, nơi mà nhiều người được ơn chữa lành, cho dù chưa được tòa thánh công nhận nhưng lượng khách viếng thăm ngày càng đông.

Chiếc xe Bus khởi hành từ Neuenkirchen mang theo 28 khách hành hương ghé đón chúng tôi 20 người tại München, một hành trình dài 1.700 cây số về hướng đông nam Âu châu, băng ngang Áo, Slowenien, Kroatien đến Bosnien Herzegowina.

Trên quãng đường dài trạm dừng đầu tiên nghỉ đêm tại Bled, một thị trấn nhỏ thuộc Slowenien cạnh hồ Vedes rất thơ mộng, là điểm đến cho những ai thích du ngoạn dạo chơi bờ hồ, ngắm cảnh thiên nhiên, ngụp lặn trong dòng nước ngọt tan từ những tảng băng tuyết trên núi. Rất tiếc chúng tôi phải rời thị trấn vào sáng sớm và bắt đầu thánh lễ tại thánh đường St.Veit, nơi Đức giáo hoàng  Johannes Paul II đã có lần dừng chân. Chụp vài tấm hình lưu niệm và rời thị trấn.

Trên đường đi mọi người có dịp làm quen tâm sự,  lần lượt giới thiệu về mình, về những ước mơ nơi linh địa. Trong đoàn đại đa số ở lứa tuổi trên dưới 50 nhưng cũng có bác đã ngoài 80, sau vài lần trò chuyện mọi người trở nên thân thiện. Sinh hoạt văn nghệ trên đường đi rất vui nhộn, ca hát, kể chuyện, thỉnh thoảng lại vang vọng cuối xe những trận cười nắc nẻ.

Cảnh thiên nhiên hai bên đường rất đẹp, một vẻ đẹp hoang sơ của vùng núi đồi. Xe lăn trên con đường dốc nhỏ bám vào sườn núi, có những nơi du khách có cảm giác bấp bênh, chênh vênh, như cả xe sắp rơi xuống vực thẳm. Qua vài lần xuất trình giấy tờ chúng tôi đặt chân đến điểm hẹn khi mặt trời vừa khuất bóng.

Medjugorje, một vùng núi đồi đầy sỏi đá, một làng quê bé nhỏ, thủa xưa cư dân rất nghèo, sống chủ yếu vào nghề trồng nho và thuốc lá, có những năm mất mùa dân chúng phải kéo nhau lên tỉnh kiếm sống.Trên đường đi thỉnh thoảng bắt gặp một vài căn nhà cổ, tường và mái đều xây bằng đá, một loại đá được lấy từ núi hay đào xới từ dưới những cánh đồng nho.

Ngày đầu tiên chúng tôi gặp cô Vicka, người được Đức Mẹ hiện ra, có khả năng chịu đựng cơn đau đớn dùm người khác. Chị đã loan báo những thông điệp của Mẹ. Để có thể nhìn thấy chị chúng tôi đến thật sớm vì số người đến nghe và muốn nhìn tận mắt rất đông, phải nhón gót thật cao thì mới có thể chụp vài tấm ảnh, mọi người đứng tràn ngập cả trên đường cũng như những dãy nhà đối diện.

Chúng tôi leo núi Podrodo, ngày nay được gọi là núi Đức Mẹ hiện ra, nơi đó cô Marija Pavlovic đã thị kiến Mẹ với thông điệp cầu nguyện cho hoà bình, ngày ấy mọi người đều hững hờ, quả vậy 10 năm sau chiến tranh bùng nổ. Muốn leo được lên tới đỉnh núi khách hành hương phải cố gắng gập người đặt từng bước chân nặng nề lên thành đá, đá chen lẫn cây xanh cỏ dại, đá ngổn ngang, đá nằm dọc như những mũi dao chĩa thẳng, cạnh sắc bén nên rất cẩn thận. Dọc theo sườn núi những bức tượng đồng đen đánh dấu đường đi, do Carmelo Puzzolo người Ý thực hiện vào năm 2002, cũng để mọi người vừa leo núi vừa lần hạt. Trên đỉnh một tượng thánh giá gỗ được dựng lên, chính vị trí này Mẹ đã hiện ra, cách không xa là tượng Nữ vương hoà bình cẩm thạch màu trắng do Dino Felici tạc, tưởng niệm 20 năm ngày Mẹ đến nơi này. Chung quanh đây luôn đông người cầu nguyện, không khí trầm lặng nghiêm trang, có người ôm chân thánh giá khóc nức nở, làm khách hành hương cũng phải mủi lòng. Nhặt vài mảnh đá kỷ niệm chúng tôi rời núi, dưới chân núi là Thánh giá xanh, nơi đây cũng đông người cầu nguyện, trở về nhà trọ tất cả đều rã rời tay chân sau một ngày hành hương.

Để dưỡng sức cho đợt leo núi tới chúng tôi dành một ngày tham quan thành phố cổ, Mostar thành phố lớn nhất Bosnien nằm về phía đông bắc và cũng là địa phận, cách Medjugorje khoảng 25km, phải băng qua vài ngọn núi. Thành phố nổi tiếng nhờ vào chiếc cầu đá Stari Most bắc ngang dòng sông Neretva  xanh biếc, nơi phân chia Mostar thành 2 vùng riêng biệt, Thiên chúa và Hồi giáo, chiếc cầu trong thời nội chiến bị tàn phá nặng nề nhưng nhờ tài trợ của UNESCO đã được trùng tu trở lại, là biểu tượng cho sự hoà giải giữa các chủng tộc sinh sống nơi này. Trước khi đặt chân lên cầu ta thấy nhiều ngôi nhà loang lổ đầy những vết đạn, phế tích của một cuộc nội chiến. Băng qua cầu lọt vào thành phố cổ ta có cảm giác như lọt vào một thế giới thần thoại, thế giới của phim trường. Vào những ngày đẹp trời du khách phải chen chân, vì khắp mọi nẻo đường đều tấp nập người qua lại. Dạo một vòng thành phố chúng tôi trở về nhà trọ.

Tiếng gà gáy sáng báo hiệu một ngày mới bắt đầu, ánh hồng ló dần ở cuối núi, mọi người điểm tâm và chuẩn bị ba-lô với những thứ cần thiết cho một chuyến leo núi đầy cam go, một thách thức lớn đối với đoàn hành hương. Núi Thánh giá, Krizevac nằm ở độ cao 520m, bên trên có  dựng một Thánh giá trắng, cao 8,52m bên trong có di tích thánh được xây vào năm 1933, kỷ niệm 1900 năm Chúa chịu chết, từ đó cứ mỗi chúa nhật đầu tiên sau ngày sinh nhật mẹ Maria tất cả cư dân đều tụ họp nơi này để dâng thánh lễ, chính nơi đây Mẹ đã hiện ra lần đầu với 6 trẻ nhỏ.

Xe Bus mang chúng tôi đến tận chân núi, kẻ chống gậy, người xốc nách cùng nhau bước tiến về phía sườn đồi. Đường đi lần này rộng hơn nhưng nhiều gian nan, hiểm trở, bờ dốc cao, người hướng dẫn khuyên không nên rời đường chính vì nguy hiểm, cạnh đá không người leo  còn sắc bén, dây gai giăng đầy có thể vấp ngã. Hai bên đường đi vẫn là những tượng đồng bên cạnh có Thánh giá gỗ, 15 chặng thương khó. Đến mỗi chặng để ý, nhiều lời cầu xin, khấn nguyện được ghi trên đá hoặc chép lên giấy, thậm chí cả hình ảnh, kỷ vật được nhét trong khe đá hoặc dưới tượng Chúa. Lên đến chặng thứ 9 mọi người thấm mệt, mồ hôi nhễ nhãi bắt đầu thấm ướt áo quần, những chai nước, kẹo ngọt được mang ra sử dụng. Đến trạm gần cuối khách hành hương có thể nhận ra nơi đây có một tảng đá rất to, trạm đồng, khắc hình cha Slavko, nơi ngài tắt thở trong khi đi chặng đường thương khó, là người thành lập ra viện mồ côi nơi này, linh hướng cho những trẻ nghiện ngập bụi đời.

Lên tới đỉnh tất cả đều  chạm tay vào Thánh giá, như chạm vào một thứ hạnh phúc linh thiêng không gì  diễn tả nổi, có người đã bật khóc thành tiếng, nhất là những bác lớn tuổi, bước những bước khập khiễng, những chị đi đứng khó khăn phải cần người dìu kẻ dắt cũng kiêu hãnh tự hào được đặt chân đến chốn này. Cha Hạnh, người hướng dẫn đoàn hành hương nhiều kiên nhẫn, ban phép lành cho mọi người. Sau đó chúng tôi chọn nơi bóng mát để nghỉ ngơi, chia sẻ nhau từng miếng bánh, ngụm nước.

Ở vị trí này hướng tầm nhìn ra xa, Medjugorie hiện ra dưới những mái nhà ngói đỏ, ánh nắng trải xuống sườn đồi dốc núi, óng lên một màu xám bạc chen lẫn màu xanh của lá rừng, thỉnh thoảng ẩn hiện rực rỡ màu của bông hoa cỏ dại, xa xa những cánh đồng nho xanh ngát.

Chúng tôi rời núi về nhà trọ dùng bữa trưa và ghé thăm Cenacolo, trung tâm hoán cải những trẻ cai nghiện, bụi đời, do Sr.Elvira thành lập vào năm 1983. Điểm khởi đầu cho các Cenacolo trên thế giới, nơi này chủ yếu cầu nguyện, làm việc và từ bỏ những ràng buộc vật chất, những thanh niên sau khi bước vào đây như bắt đầu một cuộc sống mới, luôn lạc quan yêu đời. Mọi người chúng tôi cảm phục và quý mến những gương sống hoán cải của họ.

Sau đó chúng tôi trở về nhà thờ St. Jakokus, ngôi thánh đường nguy nga được hình thành năm 1897, vì nền móng không vững chắc nên xây lại sau thế chiến thứ nhất, từ 1934 đến 1969. Nhà thờ quá lớn so với số giáo dân thủa ấy, nhưng quá nhỏ so với hiện nay, trải qua 3 lần dội bom đánh xập trong chiến tranh, St. Jakobus không một chút lay chuyển có lẽ nhờ sự chở che của Mẹ. Đây là trung tâm điểm của Medjugorje, luôn đông đúc người cầu nguyện, lần hạt. Trước thánh đường là tượng Nữ vương hoà bình, có giếng nước bên cạnh, khách hành hương thường đến uống hoặc lấy mang về. Khu giải tội phía trái, còn bên phải có tượng Chúa chịu nạn, sau lưng  thánh đường là khu lễ ngoài trời có khoảng 5.000 chỗ ngồi, nơi chúng tôi tham dự thánh lễ chiều mỗi ngày. Cứ đúng 18g40 một hồi chuông vang lên cùng với tiếng nhạc đệm, trong giây phút thiêng liêng này tất cả lời kinh đều ngừng bặt, giờ Mẹ đến với các thị nhân. Sau thánh lễ các bệnh nhân được ban phép chữa lành, những ảnh tượng được làm phép. Xa phía sau là 5 sự sáng, phía cuối có tượng Chúa phục sinh bằng đồng đen, nơi đây nhiều người đứng xếp hàng có thể cả tiếng đồng hồ để được thấm vào khăn những giọt nước trong suốt chảy từ gối phải Chúa Jesus, hiện tượng này được phát hiện trong những năm gần đây, có anh trong đoàn chấm giọt nước vào tai, lập tức chứng ù tai lâu ngày biến mất. Quanh đây là 15 đàng thánh giá, dành cho những ai không thể leo núi.

Ngày cuối cùng, ngày dành cho  những dự định riêng tư, nhưng tất cả đều bắt đầu bằng một thánh lễ tại nhà nguyện, có lẽ lần đầu tiên chiếc áo dài Việt nam thướt tha trong khuôn viên thánh đường, nên đã thu hút sự chú ý không ít người, có anh tây mải ngắm nhìn, chút nữa va vào gốc cột, kẻ thì xin chụp cho bằng được tấm ảnh, người thì trầm trồ khen ngợi. Chúng tôi chọn những giờ còn lại để tham quan thắng cảnh và tìm hiểu lối sống của dân địa phương, một số chị thích mua sắm, các bác thích cầu nguyện, leo núi lần hạt…

Kravice cách khoảng 15km, thác nước nổi tiếng và lớn nhất Herzegowina, nơi thu hút nhiều du khách, với bề rộng 120m, đổ từ độ cao 25m, bên dưới là hồ nước trong xanh biếc, chung quanh cây cỏ mọc xanh mướt, một bãi nhỏ cát ngà trắng mịn, nơi đây du khách có thể dạo chơi ngắm cảnh, hoặc ngâm mình trong dòng nước mát lạnh vào những ngày hè oi bức, hay đặt một ly cà-phê và ngồi hàng giờ bên dòng suối róc rách chảy, một phong cảnh hữu tình, nên thơ, thơ mộng đến nỗi một anh trong đoàn đã phải thốt lên: „ đã nhìn thấy rồi có thể đặt bút là viết thành bài thơ “. Chúng tôi ngồi hóng gió, trò chuyện và thả hồn theo mây nước. Khi ánh chiều ngả bóng tất cả trở về để chuẩn bị cho một chương trình mới.

Chương trình văn nghệ „Tạm biệt Medjugorie“, sau bữa chiều tất cả ghế được xếp thành vòng tròn, bắt đầu bằng những lời cám ơn chủ nhà, tiếp đến những nhóm đã được phân chia cùng nhau hợp ca, đơn ca, sau cùng là những vở kịch, tuy nhuốm màu kinh thánh nhưng rất vui nhộn. Nhóm Fatima với cuộc tử nạn  Chúa, đặc sắc với tài thủ diễn dí dỏm của bác Căn. Vở kịch Chúa chiên lành của nhóm Lộ Đức, có chú sói Phẩm hiền lành không vồ được chiên mà còn bị ăn gậy!. Tiệc cưới Cana do nhóm München phụ trách với đầy đủ trang phục gây nhiều ấn tượng. Những diễn viên bất đắc dĩ này đã phải cố gắng  xuất thần để nhập vai, mang lại nhiều trận cười bể bụng. Càng về khuya nhiều nhân tài xuất hiện cùng với giọng ca  truyền cảm, lúc thánh thót, lúc trầm buồn, quyện với tiếng đàn nhịp trống như một chất keo sơn không gì tách nổi. Bên ngoài màn đêm buông xuống, không gian tĩnh mịch, chỉ còn những tiếng rỉ rả của côn trùng như muốn nhắc nhở mọi người về hành trình ngày mai. Tất cả trở về phòng riêng và chìm trong giấc ngủ.

Từ sớm tinh sương hành lý đã được xếp gọn vào xe, tài xế dạo một vòng St. Jakobus để vẫy tay chào Mẹ. Điểm đến cuối cùng là thánh đường Tihaljina, nơi cha Jozo Zovko đã bị thuyên chuyển về, thời đó bị nhiều chất vấn các thị nhân đã mô tả dung nhan Mẹ như ở Tihaljina, nên bức hình này đã được phổ biến khắp nơi như biểu tượng Mẹ Medjugorie và nơi đây cũng trở thành một trong những điểm hành hương thu hút.

Sau thánh lễ chúng tôi giã từ Medjugorje trong lưu luyến, nơi đã in sâu những gót giầy hành hương và nhiều kỷ niệm, xe lăn đều trên con dốc ngoằn ngoèo, để lại sau lưng  Thánh giá trắng khuất dần sau rặng núi.

Medjugorje,09-17.05.2011
MDT

Schliersee, Tĩnh Tâm Cuối Tuần

May 16, 2011 Chuyên mục : Sinh hoạt giáo xứ

Khoá giáo lý Rước Lễ Lần Đầu 2011

Sau sáu tháng cùng nhau tìm hiểu về Kinh Thánh cũng như mầu nhiệm bí tích Thánh Thể, tám em trong khóa RLLĐ đã tham dự cuối tuần tĩnh tâm tại Schliersee từ ngày 25.- 27. 03. vừa qua (hai em vì hoàn cảnh gia đình nên đã không tham dự được).

Có lẽ nhờ lời cầu nguyện sốt sắng của cha, các phụ huynh cũng như của cả cộng đoàn nên các em đã có một cuối tuần thật vui và đầy ý nghĩa.

Trong những ngày tĩnh tâm các em đã có dịp nhìn lại cách cư xử của mình đối với những người chung quanh. Qua vở kịch: “Người Samariter nhân từ“ do chính các em tự diễn và sự dẫn giải Phúc âm bằng biblische Figuren (Sr. Hiền đã phải gồng gánh mang theo) đã giúp các em nhận định rõ thái độ của mình trong mỗi vai trò của mỗi nhân vật trong vở kịch.

Ngoài giờ giáo lý các em cũng có những giờ phút vui chơi, đố vui, đi dạo, ăn kem, ca hát… Và vì quá hăng say ca hát nên Sr. Hiền đã phải đổ mồ hôi hột vì phải chơi đàn cho các em hát.

Mặc dầu tối thứ sáu, trước giờ đi ngủ cũng đã có một vài giọt nước mắt ngắn dài với lời than thở: “Cô ơi, ich habe Heimweh!“. Nhưng sang sáng Chúa nhật trong giờ đúc kết cả tám em đã đều đặt tám câu hỏi: “Sơ ơi, tại sao mình không ở đây thêm một tuần nữa?“.

Hy vọng cuối tuần tĩnh tâm tuy ngắn ngủi nhưng cũng đem đến với các em một chút ít hình ảnh về đời sống đức tin cũng như đời sống cộng đoàn.

Du Ngoạn Andechs

March 07, 2011 Chuyên mục : Sinh hoạt giáo xứ

Nói đến Herrsching, ta không thể không liên tưởng đến tu viện Andechs, nằm về phía đông bờ hồ Ammersee, nổi bật với ngôi thánh đường Biển Đức, ngự trị trên ngọn núi được mệnh danh „Núi thánh“. Đây chính là nơi hành hương lâu đời nhất tại tiểu bang Bayern.

Từ München đáp chuyến S-Bahn mất khoảng một tiếng đồng hồ đến Herrsching, đừng chân trong một quán Kaffe bên đường để chuẩn bị cho một chuyến băng rừng vượt núi, chúng tôi 10 thành viên HĐGX ngồi quây quần bên nhau để được nghe giải thích về lịch sử ra đời của tu viện này mặc dù trên đường đi cũng đã được giới thiệu qua.

Đúng 11giờ tất cả rời quán, nhắm hướng ngọn núi trước mặt, băng qua ngôi làng nhỏ, lần theo con đường bộ ngoằn ngèo bám vào sườn núi, đường đi trong mùa này hơi khó đi, tuyết vẫn còn bao phủ , thỉnh thoảng có nơi  đóng băng trơn trợt nên rất cẩn thận.

Cảnh vật chung quanh hầu như tĩnh lặng, vắng vẻ, cây cối trơ trọi, nhuốm màu muối trắng,tuyết trải lên triền đồi dốc núi một màu trắng bạc, thỉnh thoảng gặp vài thân cổ thụ bật gốc ngả chắn ngang dòng suối róch rách chảy, vết tích của những ngày bão tuyết .

Có những đoạn đường dốc đến nỗi phải gập người gắng sức đặt từng bước chân trên nền tuyết, đưới cái lạnh buốt giá cùng với những lời trò chuyện vui đùa trong nhóm làm mọi  người quên đi sự mệt nhọc, bỗng chốc  ngọn tháp nhà thờ tu viện hiện dần  trước mặt, leo lên những bậc thang là vào khuôn viên nhà dòng.

St.Benedikt, ngôi thánh đường cổ kính được J.B Zimmermann xây vào thế kỷ 18 theo lối kiến trúc Rokoko, nơi này người ta có thể tìm hiểu về lịch sử văn hoá, nghệ thuật và kiến trúc, cũng như cách sống đạo của người dân trong tiểu bang Bayern từ thời đó cho đến nay, đây là nơi lưu trữ nhiều di sản văn hoá giá trị trong thời đệ nhị thế chiến.

Được biết dòng Biển Đức được ra đời vào thời trung cổ với phương pháp tu trì:“ cầu nguyện và làm việc“, vì thế Andechs là nơi sản sinh ra biết bao huê lợi từ việc làm Bier, nông nghiệp, buôn bán và quản lý doanh nghiệp..v.v. Chính là nơi cung cấp tài chính cho những cơ sở của nhà dòng này.

Chúng tôi tham quan bên trong thánh đường, cùng nhau tĩnh tâm, cầu nguyện cho giáo xứ, trước khi vào phòng ăn phía sau.Nơi đây là một quán ăn rộng lớn , ấm cúng có cả Biergarten, đông người, khách tham quan Andechs thường dừng chân tại đây để dùng bữa, đặc biệt với món đùi heo nướng dòn ăn với Brezen và một loại Bier Andechser đặc sản nổi bật của dòng này.

Sau bữa ăn trưa tất cả trở về dưới chân núi bằng xe.Cùng nhau họp tại một quán Kaffe, để ôn lại những kinh nghiệm trong dịp tổ chức giáng sinh 2010 vừa rồi, hoạch định chương trình cho tết Tân Mão.

Rời Herrsching vào lúc thị trấn bắt đầu lên đèn, gió ngoài trời càng lúc thổi mạnh,rít từng cơn, đưa những luồng hơi lạnh từ miền núi rừng thồi xuống đồng bằng luồn lách vào thân thể, buốt giá như những ngọn roi quất mạnh lên da thịt tê tái, chúng tôi phải trú ẩn trong sân ga chờ chuyến S-Bahn đến trễ.

Trên đường về mọi người thầm cám ơn cha Liêm đã tổ chức một ngày du ngoạn nhiều thú vị, được hiểu biết thêm nhiều về dòng Biển Đức cũng như mối liên hệ của Andechs, Bonifaz và ngôi thánh đường mà chúng ta tham dự lễ hàng tuần, mang tên St.Benedikt tại München.

MDT


Hoa Mai Giữa Mùa Tuyết;Mừng Xuân Tân Mão

March 04, 2011 Chuyên mục : Sinh hoạt giáo xứ

Chắc bạn cũng đồng ý với tôi, Thánh Lễ mừng Xuân Tân Mão vào ngày 6 tháng 2 vừa qua thật là „chất lượng“! Tôi định nghĩa cho mình: Thánh Lễ „chất lượng“ là một Thánh Lễ làm cho ai cau có nhất cũng nở một nụ cười, người đang đau khổ cũng mở lòng, thấy mình vui thư thái và bình an hơn.

Có lẽ trước hết nhờ không khí tế tự nghiêm trang nhưng vừa đủ ấm áp giúp ta nâng tâm hồn lên. Đôi mắt người Việt nào cũng sáng lên khi bắt gặp hình ảnh thân thương của áo dài, khăn đống.

Tiếng chiêng linh thiêng lọc hết mọi ồn ào ra khỏi tâm hồn. „Ngày đầu xuân bao người đi xa cũng về với gia đình…“ Khi xa quê, tự nhiên con người lại ý thức hơn, gần gũi hơn với truyền thống.

Lời nguyện đầu xuân đã nói thay tâm sự của bao người: „…Trong tâm hiếu thảo và tri ơn, chúng con nguyện cố gắng sống sao cho xứng đáng tâm nguyện của ông bà, cha mẹ, là gìn giữ tiếng nói quê hương; lưu truyền nét đẹp truyền thống gia đình; chuyển tiếp cho con cháu niềm tin vào Thiên Chúa“.

Mở đầu bài giảng, chưa kịp buồn ngủ bỗng nghe hát vang vang trong nhà thờ „Ngày xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi, mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi, người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no….“

Có nhất thiết là trong bài giảng nào cũng phải có phần chú giải Kinh Thánh không?  Theo tôi thì không. Được nghe phân tích về bài „Ly rượu mừng“ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, để thấy trái tim nhạy cảm của tác giả thật gần gũi với trái tim yêu thương con người của  Giêsu. Bỗng dưng Giêsu trở nên dễ hiểu chi lạ!

Mọi người cười ồ vì lời chúc chí lý của anh Thành đại diện hội đồng giáo xứ: Chúc năm mới „vạn sự  như  ý ….Chúa“. Những cánh lộc đầu xuân năm nào cũng có mà không hề nhàm chán, vừa đi vừa đọc, truyền nhau, khoe nhau.

Những món ăn đặc trưng của ngày Tết và những cái bắt tay, cái ôm chúc xuân làm cho bầu khí trung tâm sinh hoạt đầy tình thân ái. Mọi người cùng nâng chén, cùng hát bài „Ly rượu mừng“ với tâm tình khác hẳn những lần đã hát trước đây.

Chúc thế giới hòa bình. Chúc quê hương yên vui. Chúc bạn, chúc tôi, và chúc mỗi người biết noi gương Chúa sống yêu thương nhau, để mọi gia đình có được thuận hòa, yêm ấm; để cộng đoàn giáo xứ có được an vui.

Vân An