Suy Niệm Lời Chúa trong tháng mười
“Halleluia, Lời Chúa dẫn soi con đường đi. Halleluia! Lời Chúa, bánh thiêng ban nguồn sống! Phúc cho người vui nghe, yêu mến, gẫm suy Lời luôn“
(Đây là những câu trọng tâm, hay những gợi ý của bài Tin Mừng, trước khi tham dự Thánh lễ, anh chị em nên đọc Kinh Thánh ở nhà , suy gẫm những gợi ý, và nhờ vậy mà anh chị em theo dõi bài chia sẻ trong Thánh Lễ được tốt hơn)
Ngày 1 tháng 10. Chúa nhật 26 thường niên. Tin mừng theo Thánh Matthêu Mt. 21,28-32: Chúa Giêsu kể cho các thượng tế và kỳ mục trong dân về chuyện một người cha mời gọi hai con của ông ra làm vườn nho. Người con thứ nhất không chịu, nhưng sau đó nó hối hận, nên lại đi. Ngược lại, người con thứ hai sẵn sàng, nhưng rồi lại không đi. Chúa Giêsu còn nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.“
Theo tôi, thông điệp này không những dành cho các thầy tư tế, kỳ mục, tu sĩ nam nữ, cha xứ… mà còn dành cho tất cả những ai, tự xem mình là công chính, tự xem mình là người được tuyển chọn, và xem chuyện ăn năn, sám hối không phải là việc của mình. Nhìn lại đời sống nội tâm của mình trong tuần qua, bạn thấy thông điệp trên nói gì với chính bạn?
Ngày 8 tháng 10. Chúa Nhật 27 TN. Tin Mừng theo Thánh Matthêu Mt 21,33-43: Chúa Giêsu kể cho các thượng tế và kinh sư dụ ngôn về ông chủ vườn nho. Ông cho tá điền canh tác, rồi đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt đầy tớ của ông, lại còn đánh đập và giết họ. Sau cùng ông sai con trai mình đến. Chúng bắt lấy cậu và giết đi. Sau đó Chúa Giêsu nói với họ: “Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho nước ấy sinh hoa lợi“.
Nhiều anh chị em từ xa đến tham dự Thánh lễ với giáo xứ chúng ta chia sẻ rằng, họ cảm thấy được nâng đỡ bởi bầu khí tôn nghiêm, bởi năng lượng an lành và tình thương, bởi thái độ đón nhận và không kỳ thị. Việc giữ gìn và chăm sóc bầu khí linh thiêng trong Thánh lễ, làm cho chính tâm hồn chúng ta cũng đang được chăm sóc, nâng đỡ. Khi có những anh chị em ở xa đến, ta nhận diện bề ngoài và lối hành xử khác của họ, đồng thời ta cũng nên nhận diện sự phản kháng trong ta. Nhưng nếu có nhiều năng lượng tỉnh thức, ta chuyển hóa được những phản kháng đó ngay. Người xa đến nhà thờ lạ mà, chưa biết những quy định ở đây! Rồi ta không kỳ thị, mà tỏa ra năng lượng cảm thông. Vài cô chú, anh chị còn can đảm hỏi thăm họ với thái độ quan tâm: Mới dọn về đây hả, hay đi thăm họ hàng? Được vậy thì chúng ta đang làm cho “Nước Thiên Chúa“ có cơ hội “sinh hoa lợi“? Đâu cần gì những lý thuyết mênh mông, những kế hoạch xa vời.
Ngày 15 tháng 10. Chúa Nhật 28 TN. Tin Mừng theo Thánh Matthêu Mt 22,1-14: Chúa Giêsu kể cho các thượng tế và kỳ mục dụ ngôn về một ông vua mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh quan khách đã được mời, nhưng họ không đến. Ngược lại họ còn hành hạ các đầy tớ và giết chết. Nhà vua liền sai quân lính đi tiêu diệt bọn sát nhân. Rồi nhà vua bảo các đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới“. Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai bất luận tốt xấu, cũng tập họp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. Trong bài chia sẻ về đoạn Tin Mừng trên, cha Anselm Grün (dòng Biển Đức) nói về một “Hội Thánh của những người tội lỗi“ (die Kirche der Sünder). Ý của cha nhắc nhở tôi về một tập thể mà trong đó mọi người đều được mời gọi. Hội thánh, cụ thể hơn, gần gũi hơn, là giáo xứ, một tập thể của những con người không hoàn thiện, có lỗi lầm, mà trong đó có tôi. Tôi chỉ biết lòng mình mở ra cho điều thiện và cố gắng hướng về điều thiện. Rồi thì với tư thế nội tâm đó, tôi sống trong hy vọng, là chính tôi luôn được mời gọi tham dự vào bàn tiệc.
Ngày 22 tháng 10. Chúa Nhật 29 TN. Tin Mừng theo Thánh Matthêu Mt 22,15-21: Những người thuộc phái Pharisêu hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa…. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?“. Nhưng Đức Giêsu biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!“ Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?“ Họ đáp: “Của Xêda“. Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.“
Cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo trên thế giới. Xin Thần khí Chúa soi sáng, để họ biết cùng nhau xây dựng một thế giới an bình, thịnh vượng và đầy lòng nhân ái.
Ngày 29.10. Chúa Nhật 30 TN. Tin Mừng theo Thánh Matthêu Mt 22,34-40: Một người thông luật trong nhóm Pharisêu hỏi Đức Giêsu để thử Người: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?“. Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môsê và các Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.“
1)Nhiều người cho rằng, điều răn thứ nhất dễ thực hiện hơn điều răn thứ hai. Nếu chịu khó nhìn sâu, thì ta không thể nào tách hai điều răn ấy riêng ra được. Làm sao mà ta có thể yêu mến Thiên Chúa, đồng thời lại không thể chấp nhận và không trân quý những gì thuộc về Thiên Chúa, những gì mà Thiên Chúa tạo dựng, trong đó có “người thân cận“?
2) Rất nhiều người lao vào cộng cuộc “yêu người thân cận“ mà chưa bao giờ trong đời biết yêu lấy chính mình. Nếu mình chưa biết yêu chính mình đúng, thì mình cũng không thể nào yêu người thân cận đúng đắn được.
3) “Yêu chính mình“: ta nên bắt đầu bằng việc chăm sóc thể lý của ta. Biết là nên tập thể dục, đi dạo ngoài thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, nhưng mấy ai thực hiện? Ta có thật sự ý thức trong việc ăn uống thế nào cho vừa đủ và có thể nuôi dưỡng thân thể ta? Những thức ăn độc hại tinh thần trong mạng lưới truyền thông ta phải can đảm loại trừ. Và sau cùng là ta cần quan tâm và tạo điều kiện để cho tâm hồn ta được nuôi duỡng bằng thức ăn tâm linh: tham dự các Bí tích, đọc và suy niệm Kinh Thánh hằng ngày, những giây phút cầu nguyện…