Trở nên “người của Lời Chúa” …

June 09, 2011 Chuyen mục : Sinh hoạt giáo xứ

Được người đặc trách của bản tin giáo xứ nhờ viết một bài nhỏ cho ngày tĩnh tâm và học hỏi Kinh Thánh vừa qua, tôi không khỏi lúng túng. Là người cùng tổ chức buổi sinh hoạt ấy, giờ lại viết cảm nhận, tránh sao được điều tế nhị “vừa hát vừa khen mình hay“? Tuy nhiên, nghĩ rằng đây là dịp trình bày tóm tắt để nhớ lại và chia sẻ cho những người khác những điều chúng tôi, những người hướng dẫn và tham dự hôm ấy, đã trao đổi là một điều đáng làm và không đáng trách.

Chúng tôi luôn ý thức rằng chúng tôi hiểu quá ít về Lời Chúa, và đứng trước kho tàng cũng như nguồn mạch đời sống đức tin này, không ai dám khẳng định mình biết nhiều và có thể chú giải lời ấy như một kẻ “làu làu đường đi lối về“.

Dầu vậy, đọc lời Chúa luôn là một phần trong đời sống đức tin cá nhân và tập thể giáo xứ chúng tôi, bên cạnh Thánh lễ và các bí tích. Đã hơn một lần, ai trong chúng tôi cũng có ao ước tự đọc và tìm hiểu lời Chúa, nhưng lời ấy lạ lẫm và khó hiểu đến nỗi có thể sẽ làm nản lòng bất cứ ai, dù cho người ấy có nhiều ý chí đi chăng nữa.

Có thế, Lời Chúa vượt xa mọi tầm với và luôn là huyền nhiệm đối với trí khôn nhân loại. Đó là lời mặc khải, và ngang qua Lời, chúng ta đi vào mầu nhiệm sống động, vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Dù không biết hết, nhưng phải biết nhiều hơn : đó là một đòi hỏi của đức tin trưởng thành. Vì được hình thành trong lịch sử, nên Lời Chúa, trong sự phong phú của các giai đoạn lịch sử biên soạn, của văn loại, ngôn ngữ, văn phong và chủ đề, v.v… vẫn là đối tượng của việc nghiên cứu và học hỏi đối với từng người, dù là học giả Kinh Thánh, cha xứ, sinh viên thần học hay một giáo dân. Học trong sự đam mê của đức tin, của một tâm hồn cầu nguyện, của một thân xác biết quỳ gối, của một đôi mắt linh lợi, khám phá ra dấu ấn của Thiên Chúa qua từng con chữ, từng câu chuyện.

Đặc nét của tương quan giữa tín hữu và Sách Thánh trong Ki-tô giáo là họ được phép hiện tại hóa ý nghĩa lời Chúa trong cuộc sống cá nhân họ, ngang qua hành vi đọc và chú giải.

Lời Chúa luôn luôn có ý nghĩa trong quá khứ, cho hiện tại và định hướng tương lai. Vì thế, người đọc sách Thánh được phép và được khuyến khích hiểu lời Chúa theo khả năng của mình, trong thái độ cầu tiến và đối thoại với truyền thống sống động của Giáo Hội.

Chúng tôi cũng đi vào tìm hiểu các trình thuật Kinh Thánh, tức là những câu chuyện kể. Kể chuyện cũng là một lối trình bày chân lý và trình bày chân lý qua kể chuyện là một nét đặc sắc, dù không là duy nhất, của văn hóa Á Đông.

Chúng tôi làm quen với những yếu tố làm nên một câu chuyện, cách diễn tiến và kết cục của chúng, ngang qua đó hy vọng gặp được chân dung tác giả và sứ điệp mà câu chuyện gửi cho chúng tôi, với tư cách là người đọc ngày nay.

Điều thách đố cho cả người tổ chức và người tham dự là khối lương tri thức quá lớn, và thời gian của chúng tôi lại eo hẹp. Chúng tôi ao ước trong tương lai sẽ có cơ hội đi vào phân tích một bản văn cụ thể hơn. Hy vọng chúng sẽ là một niềm vui và bù đắp nho nhỏ cho ước ao lớn lao được khám phá lời Chúa, vẫn tiếp tục âm ỉ trong cõi lòng từng người. Ước gì câu chuyện đầy nhân bản, được kể cách tinh tế và mang đầy dáng vóc của một câu chuyện hiện đại, trong Tin Mừng Thánh Luca về Người Cha và hai người con (Lc 15), được tìm hiểu và đào sâu trong Mùa Chay này, còn đọng lại trong ký ức đức tin của từng thành viên trong giáo xứ.

Ước mong tác phẩm nghệ thuật “Những mảnh vỡ đời“ bằng gốm của các bạn thanh thiếu niên mà nhóm đã được giới thiệu vào đầu buổi sinh hoạt, luôn là cảm xúc về giới hạn riêng của từng cuộc sống, nhưng nhờ đó, chúng ta cảm thấy cần được Lời Chúa nối kết và hàn gắn, vì Lời Ngài là “đèn soi“ cho nẻo đường cuộc sống của con, là “ánh sáng“ trung thành lan tỏa trong những vùng còn u kín của từng cõi lòng hiện sinh.

BQM