Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Sách Công Vụ Tông Đồ 2, 1-11:
Các môn đệ được tràn đầy Thánh Thần, họ nói được các thứ tiếng khác, và dân chúng khắp nơi đến để nghe họ giảng dạy. Ai cũng hiểu được bằng tiếng của mình.
Phải chăng đây là một phép lạ? Vì ai cũng đã từng biết rằng, phải bỏ ra bao công sức và thời gian để nói thông thạo một ngoại ngữ. Lại có một câu châm ngôn phương tây: ngôn ngữ là một trong những nguyên nhân chính, làm cho con người ta hiểu lầm nhau.
Trong cuộc sống hằng ngày, bao nhiêu lần “ông nói đông, bà hiểu tây“. Lắm khi câu tôi nói ra, không đầu, không đuôi, không trọn ý. Rồi tôi lại ngạc nhiên, tại sao người khác không hiểu ý tôi muốn gì. Còn nếu là người nghe, người tiếp nhận thông tin, tôi lại không chịu lắng nghe và cố hiểu người đang nói muốn gì, mà chỉ muốn nghe theo cách suy diễn của mình. Ý của câu châm ngôn: khi đã thông cảm với nhau rồi, thì nói ít, cũng hiểu nhiều, hay là không nói cũng hiểu là người đối diện đang muốn gì. Như vậy, có lẽ các Tông Đồ ngày xưa không nhất thiết phải nói các thứ tiếng nước ngoài.
“Tiếng nói“ hay “ngôn ngữ“ ở đây mang một ý nghĩa khác. Đó là tiếng nói của sự cởi mở, sự cảm thông, của tình thương, của sự bao dung, của tha thứ, tiếng nói của trái tim. Và chỉ có Thần Khí Thiên Chúa tác động, con người mới có khả năng nói được “tiếng lạ“ này mà thôi.